Vai trò của vôi bột trong nuôi tôm
13/05/2014
Hỏi: Trong quá trình chuẩn bị ao nuôi, vôi bột có vai trò như thế nào? Cách dùng vôi ra sao? Ngoài vôi, các loại khác như Chlorine, dây thuốc cá, bột hạt trà có thể sử dụng như thế nào? Có thể dùng thuốc trừ sâu để diệt cá tạp được không?
Đáp: Theo hình thức nuôi tôm dân gian, trước mỗi vụ nuôi, người dân chỉ sên vét ao đầm và dùng dây thuốc cá để điệt cá trong ao. Tuy nhiên, điều này chưa đủ vì dây thuốc cá chỉ có tác dụng diệt cá mà thôi. Vôi bột là một trong những chất khá rẻ tiền nhưng có rất nhiều tác dụng và được khuyến cáo sử dụng rộng rãi để cải tạo ao đầm. Trước hết, vôi giúp hạ phèn đất và nước; diệt được cá tạp, địch hại, rong tảo và cả các vi trùng, mầm bệnh trong ao. Vôi giúp cho mùn bã đáy ao dễ phân hủy hơn, làm đáy ao tốt hơn do được khoáng hóa, chất lượng nước cũng được cải thiện, thức ăn tự nhiên của tôm cũng từ đó mà phát triển phong phú hơn. Chất vôi trong ao còn có tác dụng trực tiếp đến tôm trong việc hình thành vỏ. Tuy nhiên, không nên bón vôi nhiều quá vì có thể gây tác hại trở lại cho môi trường và tôm nuôi.
Tùy từng điều kiện mà có thể dùng một trong các loại vôi như vôi nông nghiệp CaCO3, vôi tôi Ca(OH)2, vôi sống CaO và vôi đen CaMg(CO3)2. Tuy nhiên, vôi nông nghiệp là dễ sử dụng nhất. Vôi tôi và vôi sống không nên dùng khi đang nuôi tôm. Tùy từng nơi với độ phèn khác nhau mà có thể bón 5-20kg vôi/100m2, thường 5-l0kg/l00m2. Khi bón vôi, cần bón khắp đáy ao và cả trên bờ ao để đề phòng nước phèn để xuống ao vào mùa mưa. Đối với nuôi tôm kết hợp với rừng, mặc dù không thể bón vôi được trên mặt trảng có cây rừng, nhưng việc bón vôi trên bờ và dưới đáy mương vẫn rất cần thiết.
Ngoài vôi, một số chất khác còn có thể được sử dụng trong quá trình chuẩn bị ao như Chlorine, bột hạt trà... Tuy nhiên, Chlorine chỉ có tác dụng diệt vi trùng gây bệnh, cá dỡ, địch hại và rong tảo mà không có được nhiều tác dụng như vôi. Trong các mô hình ương tôm giống, nuôi bán thâm canh hay thâm canh, Chlorine được dùng để xử lý nước ao lắng hay nướtc ao nuôi trực tiếp trước khi thả tôm. Nồng độ Chlorine dùng xử lý nước nuôi là khoảng 2kg/100m3. Đối với ao chứa nước thải, cần dùng nồng độ cao hơn, khoảng 5-10kg/100m3. Đối với bột hạt trà (saponine) cũng như dây thuốc cá, tác dụng chủ yếu là diệt cá tạp. Nó cũng có tác dụng giúp kích thích tôm lột xác. Lượng dùng từ 2-3kg/100m3 nước. Tuy nhiên, chỉ nên dùng để diệt cá trước khi thả giống và sau khi tôm đạt 2g trở lên.
Trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp đã sử dụng thuốc trừ sâu để diệt cá tạp vì thấy rằng thuốc dễ tìm, rẻ và diệt được cá rất tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ cực kỳ tai hại đôi với môi trường nước và tôm nuôi. Mặc dù tôm chưa chết nhưng một số loại thuốc sẽ tích lũy dần trong thân tôm lâu ngày, gây bệnh tôm hay chết tôm và ảnh hưởng cả đến người tiêu dùng. Do đó, thuốc trừ sâu cần đặc biệt nghiêm cấm sử dụng trong cải tạo ao và diệt tạp.
Khoa thủy sản ĐHCT